Núi cao sông rộng cho lòng thảnh thơi …

Chế biến sữa đậu nành tại gia

 

Nếu không có máy chuyên làm sữa đậu nành, bạn cũng có thể làm sữa với một chiếc máy xay sinh tố, máy xay thực phẩm đa năng hoặc theo cách cổ truyền là dùng loại cối đá xay bột.

Bạn có thể làm sữa đậu nành với 100% là đậu nành; nhưng để tăng thêm hương vị, có thể cho thêm lạc (đậu phộng), đậu xanh hoặc mè rang, tùy ý.

Sau đây là công thức thực hiện sữa đậu nành tại nhà với một ít lạc (đậu phộng) giúp tăng thêm vị béo của món sữa:

Nguyên liệu:

300g đậu nành khô; 50g lạc (đậu phộng) rang; 4 lít nước; 1 bó lá dứa.

Cách làm:

1. Chuẩn bị:

– Đậu nành khô nhặt bỏ hạt sâu, mọt, cho vào nước lạnh. Ngâm đậu trong khoảng 8 giờ.

– Vo lại cho sạch, xả nước thật kỹ cho đến khi nước trong. Vớt đậu ra để ráo.

2. Xay đậu:

– Cho đậu vào máy xay, vừa xay vừa cho nước vào từ từ.

– Khi đậu nhuyễn, cho tất cả vào túi vải, vắt kỹ để lấy phần nước đậu.

– Có thể xay thêm lần nữa để vắt hết nước sữa đậu.

3. Nấu sữa:

– Cho nước sữa đậu vào nồi. Lá dứa rửa sạch, cột thành bó, cho chung vào nồi nước sữa đậu.

– Nấu sữa cho sôi khoảng 10 phút, vừa nấu vừa khuấy đáy nồi để không bị khét. Chú ý không để sữa sôi mạnh dễ bị trào.

Sữa đậu nành nấu xong có thể dùng nóng hoặc để nguội, cho vào tủ lạnh, dùng chung với đường (hoặc không) đường tùy thích.

Cần lưu ý chế biến xong chỉ dùng trong ngày, vì đây là loại thức uống dễ bị hỏng. Nếu muốn để lại, cần phải trữ lạnh đúng cách, để sữa giữ được chất lượng và hương vị ban đầu. Độ lạnh cần thiết là từ 3 đến 5ºC.

Ngoài ra, tuy đây là loại thức uống có lợi cho sức khỏe nhưng cũng không nên dùng quá ½ lít sữa đậu nành mỗi ngày. Khi nấu cần để sữa sôi kỹ, nếu không có thể gây cồn cào, buồn nôn hoặc đau bụng, tiêu chảy.

Các nghiên cứu cho thấy thành phần dinh dưỡng trong sữa đậu nành bổ dưỡng gần bằng sữa bò tươi. Sữa đậu nành không đường là nguồn cung cấp hoàn hảo loại đạm chất lượng cao, isoflavone và các vitamin nhóm B.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những thực phẩm làm từ đậu nành nguyên chất còn giàu axit béo Omega – 3 có lợi cho tim mạch. Bên cạnh đó Isoflavone trong sữa đậu nành giúp làm giảm lượng LDL (cholesterol "xấu"), có khả năng chống loãng xương, chống lại một số dạng ung thư, giảm mất thăng bằng về hóc môn sau mãn kinh ở phụ nữ có tuổi.

Ở Việt Nam, sữa đậu nành thường được làm bằng phương pháp thủ công, bán khắp nơi từ lề đường cho đến trong các quán xá, có thể uống cả nóng và lạnh. Tuy nhiên, các loại sữa đậu nành được chế biến thủ công đôi khi không đảm bảo vệ sinh nên người tiêu dùng chưa thật sự yên tâm sử dụng.

Loại sữa đậu nành sản xuất theo quy trình công nghiệp, với dạng chai hoặc đóng hộp, cũng thơm ngon, thu hút một lượng khách hàng khá lớn nhờ tính tiện dụng và khá an toàn. Một số nhà sản xuất còn thêm canxi, các loại vitamin và hương vị như vani, chocolate vào sản phẩm sữa đậu nành để làm phong phú thêm sản phẩm của mình. Khuyết điểm của các loại sữa đậu nành sản xuất công nghiệp là thường không giữ được hương vị tự nhiên và luôn có chất bảo quản.

Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là tự làm sữa đậu nành tại nhà với các dụng cụ nhà bếp đơn giản. Nếu gia đình bạn có máy chuyên làm sữa đậu nành thì chỉ cần mua đậu về, ngâm một đêm, sau đó chà rửa sạch và cho đậu nành vào máy, đổ nước vào, chờ khoảng 10 đến 15 phút sau là bạn đã có sữa đậu nành để dùng.
(Theo: Báo Phụ Nữ)

Bình luận về bài viết này